Home > bầu cử Úc, Nước Úc, Xã hội > Bầu cử bang New South Wales: bầu cử kiểu Úc

Bầu cử bang New South Wales: bầu cử kiểu Úc

Thứ 7, 28/3 này cử tri bang New South Wales, sẽ thực hiện quyền công dân, chọn ra những người lãnh đạo mình trong 4 năm tới. Ở Úc, đi bầu các cấp là bắt buộc. Ai vắng mặt không có lý do chính đáng (ốm đau sầu não…) sẽ bị phạt tiền.

Cái tên New South Wales (NSW) ngày trước để chỉ 1 vùng cực lớn, choán gần hết nước Úc và hơn 1 chút. Chả hiểu bọn thực dân Anh chia chác kiểu gì mà dần NSW bị cắt ra thành từng vùng mà bây giờ là các bang/vùng NSW (dĩ nhiên 🙂 ) , Victoria (VIC), Queensland (QLD), South Australia (SA), Tasmania (TAS), Australian Capital Territory (ACT) và … nước New Zeanland (NZ, “và hơn 1 chút” ở trên chính là NZ 🙂 ). Với diện tích hơn 800 nghìn km2, không lớn nhất Úc về diện tích nhưng NSW là bang lớn nhất về dân số và kinh tế và do vậy so với các bang khác, tầm ảnh hưởng của NSW cũng là lớn nhất.

Úc có vô số đảng chính trị nhưng trên thực tế, quyền lực là cuộc tranh đấu giữa 2 chính Đảng, chính xác hơn là 1 Đảng và 1 liên minh 2 Đảng. Đảng chính trị lớn nhất nước Úc là đảng Lao Động (Australian Labor Party – ALP). ALP xuất thân là đảng phái của các nghiệp đoàn lao động (Workers’ Union) nên được coi là đại diện của tầng lớp bình dân và có tư tưởng cấp tiến hơn, theo đường lối trung tả. Liên minh (Coalition) đối trọng lại ALP gồm 2 Đảng. Đảng Tự do (Liberal Party of Australia-LPA), theo đường lối trung hữu, vốn của những người theo chủ nghĩa quốc gia. Tên là Tự do nhưng đảng này được coi là theo trường phái bảo thủ.

Đối tác của LPA trong liên minh là Đảng Quốc Gia (National Party), cũng trung hữu, tiền thân là Đảng Nông Thôn (Australian Country Party), chắc sau thấy Nông Thôn nghe quê quá nên đổi thành Quốc Gia cho nó oai. Đảng này mạnh ở những vùng sâu vùng xa (nông thôn mà). Ngoài ra còn mấy đảng nhỏ như đảng Xanh (Green) hô hào môi trường, đồng tính; đảng Sex (Australian Sex Party, khỏi giải thích tôn chỉ) vv và vv nhưng những đảng này tham gia có lẽ cũng chỉ cho xôm tụ . Một chọi một thì Liberal hay National cũng khó là đối thủ của Labor, có mà đối lập mãi nên họ lập thành liên minh.

Hạ viện bang NSW lần này có 93 ghế. Bên nào được đa số (47 ghế) bên ấy thắng và lãnh đạo trở thành Thủ hiến (premier). Nếu không bên nào được đa số, các bên có thể thương lượng liên minh với các đảng nhỏ hoặc nghị viên độc lập để có tổng ghế quá bán và lập chính phủ. Vẫn không thương lượng được với nhau chắc phải bầu lại 😀

Lao động (ALP) từng thống trị NSW trong suốt thời gian dài (1995-2011). Trên đỉnh cao quyền lực quá lâu, ALP quá tự mạn và đi vào suy thoái. Dân bất mãn và kết quả là bầu cử năm 2011, Coalition đối lập đánh bại đảng Lao Động đương nhiệm gần như tuyệt đối 69 – 20 (đảng Xanh -Green ăn 1 ghế). Lãnh đạo Liberal Barry O’Farrell nhậm chức Thủ hiến với các lời hứa về đầu tư hạ tầng và chống tham nhũng.

Ông Farrell giữ lời hứa về hạ tầng tuy nhiên tháng 4 năm ngoái (2014) ông từ chức lãnh đạo đảng (đồng thời là chức thủ hiến bang) khi Ủy ban độc lập chống tham nhũng ( Independent Commission Against Corruption – ICAC) phanh phui ông nhận quà là một chai rượu vang trị giá $3000 mà không khai báo. Ông thanh minh thanh nga là “quên” dùng từ rất văn vẻ là “massive memory loss” khi nói về sự việc này. Bệnh quên có lẽ còn nặng nữa vì mấy tháng sau người ta phát hiện ông còn nhận cái bút giá hơn nghìn AUD. Nhìn về giá trị quà biếu, chắc quan chức Việt Nam cười khẩy chê bọn Úc rách việc. Mike Baird, Bộ trưởng Ngân khố (Treasurer) lên làm thủ hiến và nắm chân lãnh đạo Đảng Tự do.

ALP thì sau khi thua cử năm 2011, chị Kristina Keneally từ chức lãnh đạo và thay thế là anh John Robertson, một bác thợ điện (electrician) chuyển thành chính khách qua ngả công đoàn (union), con đường khá quen thuộc của chính khách ALP. Làm lãnh đạo đối lập anh John này cũng khá mờ nhạt. Đùng 1 cái, sau vụ bắt con tin chấn động ở Lindt Cafe, Sydney, trong quá trình điều tra người ta phát hiện John Robertson với tư cách dân biểu vùng Blacktown đã từng chuyển thư của Man Haron Monis, thủ phạm vụ bắt cóc, đến các cơ quan công quyền NSW. Anh John thanh minh anh chỉ làm nghĩa vụ của dân biểu nhưng tác động vụ này quá lớn, John Robertson buộc phải từ chức lãnh đạo đảng. Bà Linda Burney lên tạm nắm quyền cho đến ngày 5/1/2015, ban lãnh đạo ALP bang NSW bầu Luke Foley làm người đứng đầu. Luke Foley chỉ có hơn 2 tháng để dẫn lãnh đạo ALP tranh cử.

Mike Baird vẫn lãnh đạo liên minh giữ ghế lần này. Cương lĩnh bầu cử tất nhiên có màn hứa đầu tư nọ kia và tiền để đầu tư lấy từ 20 tỷ “cho thuê 49% mạng hạ tầng điện trong 99 năm”. ALP (giờ là đối lập) xoáy vào và gọi đấy là “bán công sản”. Thực tế là Úc cũng có vài nơi “tư nhân hóa” kiểu ấy và sau đó giá điện tăng chóng mặt, dân kêu như bọng. Bầu cử cuối năm ngoái ở VIC và đầu năm nay ở QLD, ALP thắng chính quyền đương nhiệm của Liberal một phần cũng nhờ to mồm đả phá kế hoạch “bán” công sản của chính quyền và lần này tại NSW, họ cũng muốn dùng chiêu tương tự.

Chính quyền nói họ “cho thuê” chứ không phải bán, ALP nói vậy là “lừa dối” cử tri, điện đóm vẫn thuộc quyền sở hữu của chính quyền. Phe này phân phát bộ bài(card) in các bình luận tiêu cực trên báo chí về ALP lên các lá bài, mặt sau có chữ “Poles and Liars” (cột điện và những kẻ dối trá). Lãnh đạo Luke Foley của ALP được ưu ái in lên con phăng-teo (jocker).

Bộ bài "Cột điện và những kẻ dối trá" với hình lãnh đạo ALP in trên lá bài phăng-teo (jocker). Chính quyền Liberal đương nhiềm muốn bắt trước quân đội Mỹ ở Iraq ngày trước, in ảnh các quan chức dưới thời Saddam Hussein vào các quân bài rồi phát ra làm "lệnh truy nã". Ảnh SMH

Bộ bài “Cột điện và những kẻ dối trá” với hình lãnh đạo ALP in trên lá bài phăng-teo (jocker). Chính quyền Liberal đương nhiệm muốn bắt trước quân đội Mỹ ở Iraq ngày trước, in ảnh các quan chức dưới thời Saddam Hussein vào các quân bài rồi phát ra làm “lệnh truy nã”. Ảnh SMH

ALP thì cố gắn hình ảnh Mike Baird với Tony Abbott, ông thủ tướng cùng đảng uy tín đang xuống thấp. Đảng này cũng thông qua công đoàn tổ chức tuần hành. Câu phiếu dân vùng sâu, vùng xa, 2 bên đều hứa sẽ nâng cấp hệ thống tầu hỏa (train) nối Sydney và các cùng hẻo lánh. Hệ thống hiện tại dự kiến sẽ được cho “về hưu” sang năm vì lý do an toàn (hết tuổi thọ) và chính quyền định hiện tại dự định thay bằng xe đò (coach). Để duy trì hay nâng cấp hệ thống đường sắt hiện tại ước tính tốn hơn 1 tỷ $, cả 2 bên cũng hứa nhưng chưa bên nào nói sẽ lấy tiền đâu ra.

Thẻ cào của ALP, kêu gọi cào để bóc trần bộ mặt thật của Mike Baird, thủ hiên đương nhiệm. Ảnh SMH

Thẻ cào của ALP, kêu gọi cào để bóc trần bộ mặt thật của Mike Baird, thủ hiến đương nhiệm. Ảnh SMH

Ngoài Bob Carr làm thủ hiến từ 1995 đến 2006 (tự từ chức, ông này sau ra làm ngoại trưởng Úc thời kỳ 2012-2013), gần đây các thủ hiến NSW không ai làm hết được nhiệm kỳ. Sau Bob, từ 2006 đến 2011 ALP có Morris Iemma, Nathan Rees rồi Kristina Keneally lần lượt lãnh đạo (và là thủ hiến luôn). Chính quyền đương nhiệm chưa hết nhiệm kỳ cũng đã có 2 thủ hiến. Trước đấy khi Liberal còn là đối lập, chỉ một vài năm là lãnh đạo lại có sáo trộn. Chưa kể đấu nhau loạn xì ngầu, các đảng của Úc không “đoàn kết” như bên mình. Bên trong 1 đảng, một người lãnh đạo nhưng luôn có vài người nhăm nhe cái chức lãnh đạo đó (cái này thì cũng giống mình) và chỉ cần người đứng đầu này sơ xảy (phát ngôn hay hành động), những người kia sẽ biết ngay cần phải làm gì 😉

Đồn đoán nọ kia nhưng thường các nhà cái phân tích vẫn kỹ nhất. Hiện tại nhà cái sportbet.com.au cho ALP thắng 1 ăn 10, Liberal 1 ăn 1.04 . Lao động xem ra không có cửa. Chờ đến tối thứ 7 này xem có ai đổi đời không 😀 .

Xem thêm

Ngày mai Úc sẽ có Thủ tướng mới ?
Australia Day – Ngày Quốc khánh Úc
“Ngày hội toàn dân” ở xứ chuột túi
Welcome back, Kevin

  1. 25/03/2015 at 4:31 pm

    Sống ở VN, đọc bài này của Xôi nghe lạ lẫm quá. Ở đây, SUV cũng chẳng biết khi nào thì bầu. Cứ thấy kêu thì đi. Thường thì sáng Chủ nhật đi lễ xong sẽ kéo nhau ra trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm gần nhà Thờ Vườn Xoài để bầu. Ngày trước, một người trong gia đình sẽ bầu giúp cho cả nhà. Bây giờ thì không được vậy nữa.

    Nhìn chung, mỗi lần đi bầu xong SUV lại cảm thấy xót tiền (tiền của ai thì không nói đâu)! Nhớ ngày xưa đi Kinh tế mới, mỗi khi đau bụng, có nhu cầu chạy ra ngoài vườn, SUV báo cáo với người lớn: “con đi bỏ phiếu”. Câu này cũng là học của người lớn mà ra 🙂

    Like

    • TKO
      25/03/2015 at 5:44 pm

      @ SUV:

      “Ở đây, SUV cũng chẳng biết khi nào thì bầu”. Hết trích.

      Í ẹ, khi nào phụ nữ có gia đình thì … bầu, vậy đó SUV!
      🙂

      Tiết mục bỏ phiếu bầu cử, thực thi quyefn công dân, quyền của cử tri ở ta được tổ chức cũng rầm rộ lắm mà, có nhạc tuyên truyền, có người đến thu thập danh sách cử tri, rồi vận động đi bỏ phiếu. Người già, người bệnh còn có người mang thùng phiếu đến tận nơi ấy chứ!

      Chỉ có một điểm đáng kể là bầu ai cũng zậy vì đã … cơ cấu roài!
      🙂

      Like

      • 30/03/2015 at 2:28 am

        Cám ơn TKO đã nhắc SUV “hoàn cảnh” để có bầu 🙂
        Ở Mỹ 4 năm bầu một lần. Ở VN mình, SUV chẳng biết bao giờ và khi nào lại rầm rộ. Cứ thấy cờ đèn, kèn trống, xe hoa chạy với cái loa oang oang thì thì biết chứ chẳng nắm được quy luật.

        Liked by 1 person

        • 31/03/2015 at 11:32 am

          Hehe, SUV mất quan điểm quá 😀 .

          Việt Nam mình 5 năm đại hội đảng một lần. ĐH xong, phân định ai TBT, ai CT, ai TT, ai CTQH, ai BT nọ kia (có thể đến cả mức độ ai ThT) thì sẽ có màn bầu cử. MTTQ hiệp thương ra một đống UCV để cho dân bầu 500 (?) đbqh.

          Ai nói cả 500 người này đều được chọn trước là “thiếu thiện chí” 😉 , lão nghĩ chừng 490 là được lựa chọn trước thôi, chừng 10 còn lại thuộc thể loại “vô hại” thì sẽ “đếm phiếu” đúng 1 chút cho nó dân chủ. Lần trước chị Hoàng Yến có màn tặng tiền các cụ hưu bị tố là “mua phiếu”, chắc chị cũng tin là có đếm phiếu thật 😀 .

          Xong được 500 người, có màn bầu CTQH, mà cũng chả phải bầu, đưa ra 1 người và 500 người kia “phê chuẩn”, lúc nào cũng “duyệt”. 5 phút sau, CTQH mới “giới thiệu” CT nước, lại chỉ có 1 người, lại “duyệt”. Rồi CT mới giới thiệu TT mới, lại 1 và “duyệt”. TT mới giới thiệu các phó TT và các BT. Đố có màn nào không duyệt 😀 . Hình như trong lịch sử mới có 1 lần “không duyệt” anh Lê Đức Thúy làm thống đốc ngân hàng, hồi ấy anh X làm PTT kiêm nhiệm đợt sau lại đưa anh Thúy lên và “duyệt” (thương lượng xong xuôi).

          Vậy là chu kỳ bầu cử của ta ăn theo chu kỳ ĐH đảng, hiện tại là 5 năm (toàn quốc, cấp địa phương không rõ lắm 😀 ). SUV chuẩn bị tinh thần sang năm nhé 😀

          Liked by 1 person

          • 02/04/2015 at 11:59 pm

            1. Lần đầu tiên SUV biết được cách bầu cử của VN mà lại do một Việt kiều Úc chỉ lại mới vui chứ 🙂 Cái này đồng chí Xôi học ở đâu ra vậy? Ở trường có dạy mấy món này không? Nếu có chắc hôm đó chị SUV trốn học rồi!

            2. Có thể Xôi không biết điều này: phần lớn từ trẻ em đến người lớn trong miền Nam không nắm rõ cơ cấu tổ chức chính phủ VN bằng mọi “tầng lớp nhân dân” ở miền Bắc. Tới giờ này mà có nhiều thanh niên chị quen khi hỏi họ “Who’s who” trong chính phủ mình, họ mù câm! Có lẽ họ sống đơn giản và chỉ quan tâm tới nồi cơm thôi mà quên rằng có những thứ khác sẽ tác động đến nồi cơm của họ.

            Like

            • 03/04/2015 at 12:55 pm

              1. Trường nào dạy cái này chắc giáo viên được cho đi cuốc đất mất 😀 . Chi SUV chăm học thế, bỏ lỡ sao được 😉

              2. Người ngoài Bắc có lẽ quan tâm và “am hiểu” tình hình chính trị nước nhà hơn nhưng cũng chỉ bàn luận cho vui rồi khoanh tay nhìn, thái độ rất chi là bàng quan (không phải “bàng quang”, hehe). XT đây là điển hình, có biết chút xíu cũng chỉ biết than thở, đá xéo mấy câu chứ bảo làm gì thì cũng chỉ kêu nói thế cũng là làm rồi 😀 . Làm cho người dân dửng dưng với thời cuộc, mọi thứ để đ và nhà nước lo, đ đã quá thành công 😉

              Liked by 1 person

  2. TKO
    25/03/2015 at 5:38 pm

    @ Đồng chí Xôi:

    Đề nghị đồng chí Xôi ra ứng cử và tranh cử chức Nghị Xôi ở Úc đê. TKO tự nguyện tham gia làm thành viên ban … phèng la!
    🙂

    Lãnh đạo Luke Foley của ALP được ưu ái in lên con phăng-teo (jocker)—> Đồng chí Xôi nếu được phát bộ bài này thì giữ lại, mơi mốt có dịp về VN, gửi tặng cho đồng chí TKO nghe. TKO sẽ bỏ phiếu cho đồng chí Luke Foley ấy. Càng bị nói xấu, càng … nổi đình nổi đám!
    🙂

    Nước Úc hay ghê, có cả Đảng của người đồng tính, có cả Đảng S.. cho đờn ông wan tâm, Đang Green môi trường. Giá mà VN ta có Đảng Green thì một loạt cây xanh ở Hà Nội đã thoát chết.

    TKO nhớ mang máng lúc xưa, Úc có Đảng Một dân tộc gì đó, có Bà chủ tịch gì đó rất cực đoan với người nhập cư? Phải Đảng này ở Úc hông đồng chí Xôi?

    Like

    • 25/03/2015 at 9:06 pm

      Đồng chí nhớ đúng rồi.

      Đảng này tên tiếng Anh là One Nation, theo lối cực hữu (far right). Những điều họ nói về dân nhập cư về mặt đạo đức không đúng lắm nhưng trên thực tế có nhiều chỗ cũng chẳng sai mấy 😦 . Đảng này do bà Pauline Hanson sáng lập năm 1997 tại Queensland (QLD), hoành được 1-2 năm đầu rồi thoái trào dần, giờ cũng xìu xìu ển ển nhưng vẫn chưa chết hẳn 😀 . Cách đây mấy năm, bà Hanson bán nhà. Bà này dặn đám cò (agent) có bán cũng không bán cho dân châu Á.

      Bộ bài này chỉ được phát ở những vùng 2 bên khá cân bằng và ALP có vẻ nhỉnh hơn nhằm tạo đà vượt lên và bứt phá cho mấy ông Tự do. Chỗ lão ở ALP thua chắc nên chính quyền không thèm đoái hoài 😀

      Đảng ủng hộ đồng tính nhất chính là Đảng Xanh. Mấy ông suốt ngày lo cây cối không ai nghe (môi trường là trò chơi tốn tiền 😉 ) nên gần đây phải hô hào thêm đồng tính để câu khách 😀 .

      Liked by 1 person

  3. 25/03/2015 at 8:09 pm

    1.Phê bình đồng chí Xôi , chắc vừa vắt sữa vừa viết nên có môt đoạn khá lộn xôn “đối trọng lại ALP gồm 2 Đảng. Đảng Tự do (Liberal Party of Australia-LPA), theo đường lối trung hữu, vốn của những người theo chủ nghĩa quốc gia. Tên là Tự do nhưng đảng này được coi là theo trường phái bảo thủ…” ( hết )ngoài Đảng Tự do , đảng còn lại đâu .?
    2. Đồng chí phải khiếu lại với UB chống tham nhũng là cây viết và chai rượu không là cái đinh gì , xử lý kỷ luật như vậy mất hết tình đồng chí và lấy ai làm viêc ,.
    3.Hôm nay là thứ 4 ,đợi đến thứ 7 mới biết kết quả thì chứng tỏ công tác cán bộ ở Úc quá kém . Nếu làm tốt ,dù không công bố người ta cũng biết ai làm chức gì trước cả năm hoặc ít là 6 tháng , không tin cứ hỏi anh Tô như Rứa thì biết .

    Like

    • 25/03/2015 at 8:18 pm

      Thằng thứ 2 là thằng Quốc Gia (National) ở đoạn dưới bác TV ạ. Ban đầu viết liền sau lại cho xuống dòng cho nó thành đoạn khác nên hơi thiếu liền mạch 😀

      Like

  4. tuanvu
    25/03/2015 at 11:01 pm

    @XT : nhầm : ” đối tác của ALP là trong liên minh là đang Quốc gia (National party ) cũng trung hữu mà tiền thân là đảng …”
    Như vậy National là liên minh của ALP chứ đâu phải của Liberial party ?

    Like

    • 25/03/2015 at 11:11 pm

      Đúng là nhầm thật, LPA (tức là Liberal) chứ không phải ALP 😀 . Đã sửa rồi. Cảm ơn bác 😁

      Like

  5. VVX
    26/03/2015 at 7:51 pm

    Bầu cử ở xứ tự do cũng có thể hiểu là quyền lực của người dân được thực thi. Vậy bầu lên rồi đừng tưởng thế là có chức có quyền (power). Ngồi trên cao chót vót, nhưng vẫn phải nhớ là mình còn thấp hơn dân.

    Còn nhớ khoảng 1995-1996. Tổng thống Clinton dính vụ tình ái Monica Lewinsky. Quốc hội phải họp khẩn để luận tôi tổng thống (impeachment). Quốc hôi trao lại quyền cho toàn dân để quyết định “vẫn để ông ấy làm tổng thống, hay đuổi ông ấy về giặt quần áo cho bà Hillary”. Dân quyết định: “Ông ấy không làm gì hại đến quốc gia. Việc này ông ấy làm hại đến vợ ông ấy thì để bà ấy xử”. Việc làm ngay của chàng là lên TV với khuôn mặt méo xệch xin lỗi toàn dân.

    Sau đó, vào năm 2003 là vụ thống đốc California Gray Davis. Anh này điều hành tiểu bang thế nào làm ngân sách thiếu hụt, và giải quyết vấn đề theo kiểu mấy bố lãnh đạo VN là “có gì cứ bổ đầu dân cho nhanh việc” bằng cách tăng thuế lưu hành xe lên gấp 3 lần. Dân đùng đùng nổi giận đòi đuổi (recall) lão này tức thì chứ không cần thông qua thủ tục luận tội (impeachment) làm chi cho rắc rối. Thế là chàng tài tử phim hành động Arnold Schwarzenegger được chọn làm thống đốc.Và việc đầu tiên ông thống đốc mới phải làm là xóa bỏ quyết định tăng thuế lưu hành xe và hoàn lại tiền đã thu của một số người.

    Hãy trờ xem vụ chặt cây ở Hà Nội họ xử lý thế nào. Dân chủ gấp vạn lần tư bản…?

    Liked by 1 person

  6. 27/03/2015 at 9:26 pm

    Những người không đi bầu được đúng ngày có thể đăng ký bầu trước. Các bang/lãnh thổ khác trên nước Úc cũng có địa điểm bỏ phiểu cho cư dân NSW. Cư dân ở nước ngoài có thể đến sứ quán bỏ phiếu. Cử tri cũng có thể chọn bầu qua bưu điện (postal vote). Năm nay có thêm cả bầu qua Internet hay điện thoại (iVote) nhưng lão không thử nên chưa rõ ra sao 😀

    Like

  7. 27/03/2015 at 9:47 pm

    Không bỏ phiếu sẽ bị phạt $55, giấy phạt sẽ được gửi về tận nhà. Trong vòng 28 ngày, “đương sự” phải nộp tiền hoặc đưa ra lý do chính đáng. Nếu không, Ban thu hồi nợ của bang có thể “cưỡng chế” bằng cách yêu cầu hủy bằng lái xe hoặc đăng ký xe, ghê không 😠

    Like

  8. 28/03/2015 at 9:05 pm

    Phiếu chưa đếm xong nhưng các cơ quan báo chí đã đưa tin Liên minh Liberal-National đã thắng. Cột điện sẽ được/bị bán cho công ty nước ngoài (theo nhiều nguồn tin là 1 công ty nhà nước của tq 😦 )

    Like

    • TKO
      30/03/2015 at 3:17 pm

      @ Đồng chí Xôi:

      Thời hạn chót để các nước nộp đơn trở thành thành viên sáng lập của AIIB là ngày 31.3 này.
      28.3. 2015 thấy báo Thanh Niên đưa tin ngân hàng phát triển Châu Á (AIIB) mà TQ khởi xướng …. đã được các nước Châu Âu, Nhật, Hàn, và Nga v.v.. đồng ý tham gia làm sáng lập viên, riêng Mỹ từ chối.

      Sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế VN chúng ta hở đồng chí Xôi?

      Like

      • VVX
        30/03/2015 at 6:19 pm

        Hello Kon gái,

        Câu hỏi nàỳ hay, Papa lanh chanh góp chuyện trước lão Xôi nhé.
        Mưu đồ là tranh dành ảnh hưởng kinh tế. TQ không thể đối đầu với Mỹ về quân sự và ảnh hưởng kinh tế thế giới nên dùng quyền lực mềm là số ngoại tệ dự trữ khổng lồ để đối phó Mỹ, chận trước mưu toan của Mỹ dùng kinh tế áp lực TQ nằm yên trong trật tự thế giới (do Mỹ xắp đặt). Từ cuối năm 2013 đến nay, các đại công ty của Mỹ lần lượt rút ra khỏi TQ, nênTQ đang phải tìm sân chơi khác.
        Mấy năm trước, TQ khởi xướng BRICS gồn 5 nước TQ, Nga, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi để lập ra đồng tiền chung cạnh tranh lại đồng Đô Mỹ rồi cũng chìm xuồng. Vậy lần này cũng phải trờ xem AIIB nó vận hành ra sao. Các nước nhảy vào tham gia thì cũng dễ hiểu, chả mất gì “một viên gạch xí chỗ”.
        Kon gái hỏi: “Sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế VN”. Theo Papa nghĩ thì VN sẽ có lợi, cũng giống như khi các đối tác kinh tế cạnh tranh thì người tiêu dùng hưởng lợi.

        Liked by 1 person

        • 31/03/2015 at 12:39 am

          Tán với lão VVX 1 chút về từ/khái niệm “quyền lực mềm” 😀

          Cái gọi là “quyền lực mềm” của tq, nếu có, theo lão là cái đám Khổng, Lão …. Trước bên HC, lão Cua viết bài cũng hay coi tiền tq là “quyền lực mềm”, chứ lão vẫn giữ quan điểm tiền tính là quyền lực cứng (không khác súng ống là bao nhiêu). “Quyền lực mềm” của Mỹ ảnh hưởng tới nước khác qua phim ảnh tuyên truyền, khiến người ta cuồng cái “giá trị Mỹ”. Tương tự quyền lực mềm của Nhật với Hàn qua phim ảnh sách báo tác động lên xứ Việt mình quá lớn 🙂

          Liked by 1 person

        • TKO
          31/03/2015 at 2:29 am

          @ Pa Pa VVX:
          Kon gái cảm ơn Pa Pa đã quan tâm giải đáp nhưng Kon gái thực không tin tưởng và yên tâm mấy vào khả năng thủ đắc của “người tiêu dùng”, nhất là “người tiêu dùng” rệu rã vốn đã yếu bản lĩnh và phụ thuộc như hiện nay ạ!
          Kon gái thiên về ý kiến nhận định sơ khởi của lão Xôi ạ.

          Like

          • VVX
            31/03/2015 at 3:35 am

            @Lão Xôi,
            Quan niệm về “quyền lực mềm” của Lão khá khắt khe đấy. Tuy nhiên lão cứ bảo lưu ý kiến lão. Quan niệm về 1 vấn đề có lẽ cũng còn do trải nghiệm thực tiễn nữa, Thí dụ một anh léng phéng gì đó bị vợ cấm vận, hãi quá mà cứ nghĩ đó là thứ “quyền lực cứng” 😆
            Đối với tớ, khó nhất trên đời là lo đối phó lại thứ quền lực mềm khủng trong tay mụ vợ. 😆

            @Kon gái,
            Mục đích của AIIB là đối đầu cạnh tranh với IMF, WB do Mỹ dẫn đầu với số vốn Mỹ góp vào là 40%, phần còn lại là của các nước khác. Bây giờ các nước khác lại cũng gia nhập AIIB thì mục đích đối đầu IMF và WB coi như bị bão hòa rồi, chẳng lẽ những nước khác gia nhập AIIB để cạnh tranh lại chính mình à? Các nước khác tham gia vào
            không ngoài mục đích kiềm chế TQ, không để TQ một mình một chợ tự tung tự tác. Có nghĩa là làm ăn theo kiểu tàu cố hữu là cạnh tranh phá giá. Trong trường hợp này thì có thể VN thủ lợi. VN đây là những tập đoàn kinh tế nằm trong tay các nhóm lợi ích, dân đen chỉ ăn theo thôi Kon giá à.

            Like

            • TKO
              31/03/2015 at 12:53 pm

              @ Pa Pa VVX:

              Pa Pa phân tích rất hay, có điều Kon gái thấy như này nè Pa Pa:

              1. Chả ai chê tiền?

              TQ đã lôi kéo được nhiều nước tham gia vào cuộc chơi tiền tệ này của hắn chứng tỏ hắn “chẳng phải dạng vừa đâu”, nhằm làm đối trọng để giảm bớt sự ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới và tại khu vực mà anh TQ muốn làm đại ca? TQ khôn khéo thế, chỉ có Mỹ mới kiềm chế được, hắn khôn ngoan lôi kéo Tây Phương, Nga, NB, HQ … cho có đồng bọn, giảm bớt sự đối địch vì sợ bị Mỹ ++ đánh hội đồng như đối với Nga??

              —> TKO chả biết tí gì về điện, liều mạng trao đổi với Pa Pa cho zui ha?!
              🙂

              2. Tập đoàn kinh tế?

              Là cái chi chi hở Pa Pa? Toàn là tư lợi, trục lợi, ăn hại …, kinh doanh thì từ lỗ đến lỗ, tối ngày adua ngu muội tham lam mờ mắt, xà xẻo tài nguyên, xương máu NLĐ, bòn rút của công, trút hết thống khổ lên dân đen. Bọn sâu mọt ấy chớ kể là “VN chúng ta”!
              Các dự án lớn, trọng điểm, bàn tay của TQ, nhà thầu TQ đã len lỏi tận đẩu tận đâu, “tiền lại quả” cao quá mờ, chất lượng thì sống chết mặc bay, ….!

              Giận quá đi hà, Pa Pa!

              Like

  9. 31/03/2015 at 12:51 am

    @đồng chí TKO,

    Lão cũng chưa rõ tôn chỉ hoạt động của cái ngân hàng mới này ra sao nên có lẽ vẫn hơi sớm để lão có ý kiến. Sớm nhưng vẫn cố tán linh tinh mấy câu 😀

    Úc cũng thông báo sẽ tham gia và đặt điều kiện các công ty của Úc có cơ hội tham gia các dự án do ngân hàng này tài trợ. Nghe ý này lão có suy nghĩ các nước đồng minh của Mỹ (Anh, Đức …) tham gia có thể một phần do tác động của các nhóm lợi ích. Tiền mặt hiện tại TQ không thiếu (tạm thời tin các con số được đưa ra) nên có cảm giác các nước khác tham gia có ý nghĩa chính trị nhiều hơn. Tiền chủ đạo của tq, các công ty tq dễ có ưu tiên tham gia thực hiện dự các dự án, ngân hàng này rồi cũng sẽ trở thành nơi giải quyết công ăn việc làm cho dân đại lục thôi. Ở những xứ như nước mình, lựa chọn nhà thầu tq lại càng hiển nhiên, lão nghĩ về lâu dài mình sẽ phải trả giá như bao dự án khác thuê nhà thầu tq 😷

    Liked by 1 person

  10. 23/07/2016 at 4:35 pm

    What’s up, this weekend is fastidious for me, for the reason that this
    point in time i am reading this great informative post here at
    my house.

    Like

  11. 21/07/2017 at 3:15 am

    Hi there everybody, here every one is sharing such experience,
    so it’s nice to read this web site, and I used to pay a quick visit this website all the time.

    Like

  12. 03/08/2017 at 9:01 pm

    Hurrah, that’s what I was exploring for, what a information! existing here at this
    website, thanks admin of this site.

    Like

  1. 01/07/2016 at 2:36 pm

Leave a comment